Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Chủ Nghĩa "Bi Quan Phòng Thủ": Lợi Ích Không Ngờ Từ Sự Lo Âu

Chủ nghĩa “bi quan phòng thủ” (defensive pessimism) là một chiến lược được sử dụng bởi những người đang lo lắng về một sự việc nào đó sắp xảy ra. Trong khi bi quan thường được xem là một điều tiêu cực, bi quan để phòng thủ có thể là một cách hữu ích khai thác sự lo lắng để thu được kết quả tích cực.

Bài viết này sẽ bàn về những vấn đề bao gồm bi quan phòng thủ là gì, nó liên quan thế nào đến tâm lý học tích cực và các khái niệm tâm lý khác, và tại sao nó có thể hữu ích cho một số người nhưng lại gây bất lợi cho những người khác.

Bi quan phòng thủ là gì? Định nghĩa và ví dụ

Sự bi quan phòng thủ đầu tiên được định nghĩa là khi

“mọi người kỳ vọng thấp đến mức phi thực tế trước một tình huống nào đó để chuẩn bị cho những thất bại có thể xảy ra và thúc đẩy bản thân làm việc chăm chỉ để tránh những thất bại đó” (Norem & Cantor, 1986).

Gần đây nó cũng được định nghĩa là

“một cơ chế theo đó một người dự đoán về tình huống tồi tệ bất chấp bằng chứng về những thành công trước đó. Những dự đoán tiêu cực như vậy giúp những người bi quan phòng thủ trong việc giảm bớt lo lắng và, theo đó, trong việc lập kế hoạch làm thế nào để tránh sự kém hiệu quả” (Ferradas và cộng sự, 2017).

Nói cách khác, ý tưởng bi quan phòng thủ khiến cho một người nghĩ rằng một sự kiện trong tương lai sẽ diễn ra rất tồi tệ, vì vậy họ thực hiện các bước cần thiết để đảm bảo nó sẽ không như dự đoán.

Ví dụ, hãy xem xét một người đang thất nghiệp chuẩn bị cho một cuộc phỏng vấn xin việc. Tưởng tượng rằng trong quá khứ, họ luôn có những kinh nghiệm tuyệt vời khi phỏng vấn xin việc, và chưa bao giờ có một cuộc phỏng vấn tệ hại. Mặc dù vậy, họ tự thuyết phục rằng cuộc phỏng vấn của họ sẽ trở nên khủng khiếp và họ sẽ không thể nào trở lại làm việc được nữa. Sự lo lắng điều này sẽ xảy ra giúp họ chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn để nó không diễn ra tồi tệ. Nhờ chuẩn bị rất tốt vì họ lo lắng về nó, cuộc phỏng vấn diễn ra tốt đẹp và họ nhận được công việc ngay lập tức. Đây chính là hành động bi quan phòng thủ.

Bi quan phòng thủ liên quan đến tự chấp như thế nào? Tự chấp (self-handicapping) là:

“hiện tượng mà một người sẽ tạo ra những trở ngại cho bản thân trước khi một sự việc diễn ra… nếu sự việc diễn ra tiêu cực, trở ngại trở thành một cái cớ hay giải thích cho thất bại. Trong trường hợp tích cực (thường là bất ngờ), trở ngại thay vào đó trở thành rào cản đã được chinh phục” (Clarke & MacCann, 2016).

Ví dụ, một người sắp tham gia vào một cuộc phỏng vấn quan trọng sẽ không chuẩn bị trước cho cuộc phỏng vấn. Bằng cách này, nếu họ không nhận được công việc, họ có thể tự nhủ rằng đó là vì họ không chuẩn bị, và nếu họ có được công việc, họ có thể cảm thấy thật thông minh khi đã nhận được công việc mà không cần chuẩn bị.

Thoạt nhìn, tự chấp và bi quan để phòng thủ có vẻ là những phản ứng tương tự trước một sự việc gây lo lắng. Giống như bi quan phòng thủ, tự chấp có liên quan đến việc mong đợi điều tồi tệ nhất từ ​​một sự việc. Tuy nhiên, không giống như bi quan phòng thủ, tự chấp là một kiểu tự hủy hoại. Hơn nữa, bi quan phòng thủ bao gồm cả sự chuẩn bị quá mức, trái ngược với sự thiếu chuẩn bị của tự chấp. Dù bi quan phòng thủ và tự chấp có vẻ là các quá trình tương tự, chúng thực sự rất khác nhau.

Lợi ích và hạn chế của bi quan để phòng thủ là gì?

Sự bi quan phòng thủ đôi khi được nghiên cứu bằng cách phân loại mọi người thành nhóm người bi quan phòng thủ hoặc người lạc quan chiến lược (strategic optimist). Nghiên cứu kiểu này này đã phát hiện ra rằng, cùng một nhiệm vụ, những người bi quan phòng thủ sẽ làm tốt nhất khi nghĩ đến kết quả tiêu cực, và những người lạc quan chiến lược sẽ làm tốt nhất khi họ tránh suy nghĩ về những kết quả tiêu cực có thể xảy ra (Norem & Chang, 2002). Nói cách khác, một số người có lợi thế nhờ bi quan (phòng thủ), trong khi những người khác được lợi từ sự lạc quan (chiến lược), không có phương pháp nào tốt hơn cho tất cả mọi người.

Dù vậy, có một điều thú vị là, khi so sánh những người lo lắng hành động theo bi quan phòng thủ và những người lo lắng nhưng lại không làm vậy, hàng loạt lợi ích được thể hiện. Đặc biệt,

"những người bi quan phòng thủ cho thấy sự gia tăng đáng kể về lòng tự trọng và sự hài lòng theo thời gian, thể hiện tốt hơn về mặt học thuật, có nhiều mối quan hệ hỗ trợ hơn và tiến bộ nhanh hơn để đạt được mục tiêu của họ so với những người lo lắng mà không vận dụng bi quan phòng thủ" (Norem & Chang, 2002).

Điều này có nghĩa là đối với những người có mức độ lo lắng cao, bi quan phòng thủ có thể là một kỹ thuật hữu ích.

Trước khi tiếp tục thảo luận về những lợi ích và hạn chế của bi quan phòng thủ, cần làm rõ rằng, điều phân biệt bi quan phòng thủ với bi quan là “những người bi quan phòng thủ… không giống như những người bi quan thực sự… có khuynh hướng suy ngẫm, hoặc lên kế hoạch, cho công việc của họ” (Gasper và cộng sự, 2009). Nói cách khác, bi quan phòng thủ không chỉ tạo thành bởi bi quan (mong đợi những điều tồi tệ xảy ra), mà còn là sự suy ngẫm (xem xét vì sao bạn mong đợi những điều tồi tệ xảy ra). Hai khuynh hướng này là một sự khác biệt quan trọng trong bi quan phòng thủ.

Các khuynh hướng bi quan được cho rằng sẽ dẫn đến gia tăng sự lo âu và giảm tầm quan trọng của mục tiêu đặt ra (Gasper và cộng sự, 2009). Tuy nhiên, khuynh hướng suy ngẫm dẫn đến tăng tầm quan trọng mục tiêu, tăng mức độ nỗ lực, tăng mức hy vọng và tăng khả năng khởi động mục tiêu cá nhân (có thể được hiểu là mong muốn thay đổi và phát triển cá nhân) (Gasper và cộng sự, 2009; Lei & Duan, 2016). Điều này cho thấy khuynh hướng suy ngẫm làm vô hiệu hóa khuynh hướng bi quan, và nó giải thích cho một phần thực tế rằng một số nghiên cứu nhận thấy bi quan phòng thủ hữu ích trong khi số khác cho rằng nó có hại (Ntoumanis và cộng sự, 2010).

Tóm tắt ngắn gọn những phát hiện trên, bi quan phòng thủ và lạc quan chiến lược có thể hữu ích như nhau, và chiến lược nào hiệu quả hơn tùy thuộc vào mỗi người. Tuy nhiên, người hay lo lắng áp dụng bi quan phòng thủ thành công hơn những người lo lắng mà không áp dụng chiến lược này. Cuối cùng, những người bi quan phòng thủ cho thấy khuynh hướng suy ngẫm nhiều hơn khuynh hướng bi quan sẽ thành công hơn người có khuynh hướng bi quan hơn suy ngẫm.

Bi quan phòng thủ đóng vai trò gì trong tâm lý học tích cực?

Nhà nghiên cứu đầu tiên đề ra chủ nghĩa “bi quan phòng thủ” nhận đinh rằng nó quan trọng, dựa trên rất nhiều nghiên cứu về tâm lý học (bao gồm một số nghiên cứu tâm lý học tích cực), bởi vì "cực kỳ vội vàng nếu kết luận rằng lạc quan luôn được mong đợi hơn bi quan" (Norem & Chang, 2002). Nghiên cứu về bi quan phòng thủ đã cho thấy rằng bi quan cũng có thể có tác động tích cực đến con người. Kết hợp với thực tế rằng bi quan phòng thủ không chỉ hữu ích cho những người bị rối loạn tâm thần đặc biệt, bi quan phòng thủ có thể là một công cụ quan trọng trong tâm lý tích cực.


Tâm lý học tích cực không ngụ ý chỉ tập trung vào những suy nghĩ tích cực, theo như trích dẫn trên, nó có thể đã được hiểu sai ý nghĩa. Bi quan phòng thủ và những suy nghĩ tiêu cực khác trong nghiên cứu tâm lý học tích cực nhằm phục vụ cho sự củng cố tổng thể lĩnh vực này. Vì một số người nhận được nhiều lợi ích từ bi quan phòng thủ hơn lạc quan chiến lược, cần tiếp tục nghiên cứu những điều tiêu cực trong phạm vi tâm lý học tích cực, nhờ đó, lĩnh vực này có thể tiếp tục mở rộng.

Thông điệp dành cho bạn

Sự bi quan phòng thủ (không nên nhầm lẫn với tự chấp) là một chiến lược có thể hữu ích cho một số người và bất lợi cho những người khác. Nếu bạn thấy rằng bi quan phòng thủ là một chiến lược hữu ích cho các vấn đề của riêng bạn, hãy cố gắng tập trung vào khuynh hướng suy ngẫm hơn khuynh hướng bi quan. Cụ thể, dành ít thời gian để suy nghĩ điều gì đó tồi tệ sẽ xảy ra và dành nhiều thời gian hơn để hiểu được tại sao bạn nghĩ điều nó xảy ra, từ đó bạn có thể tìm ra cách để chuẩn bị và tránh những kết quả tiêu cực đó. Nếu bạn thấy rằng bi quan phòng thủ thực sự là một chiến lược bất lợi cho các vấn đề của riêng bạn, thay vào đó hãy cân nhắc sự lạc quan chiến lược.

Nếu bạn coi mình là một người lo lắng và không biết nên áp dụng bi quan phòng thủ hay lạc quan chiến lược, hãy thử cả hai để xem điều gì là tốt nhất cho bạn. Nhưng thường là, không có giải pháp chung nào cho tất cả mọi người, vì vậy điều quan trọng nhất là cách mà mọi việc ảnh hưởng đến bạn và cuộc sống của bạn. Rèn luyện cho con người cách họ có thể gia tăng niềm an lạc của chính mình là một trong những khía cạnh tuyệt vời của tâm lý học tích cực, dù mỗi chiến lược có hữu ích đối với từng người hay không.

---------

Tác giả: Joaquin

Dịch giả: Huế Hương - ToMo: Learn Something New

Link bài gốc: The Upside Of Defensive Pessimism: The Potential Benefit Of Anxiety

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huế Hương - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo: Learn Something New để đọc các bài dịch song ngữ và cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

875 lượt xem