Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[Youth Confessions] Chia Sẻ Của Một Cựu Sinh Viên Đại Học Vinh Về Nghề Phiên Dịch

Chào mọi người, mình sinh năm 1994, mình tốt nghiệp từ khoa sư phạm Ngoại Ngữ trường Đại Học Vinh. Hiện giờ mình đang là nhân viên phiên dịch tại Công ty Phòng Cháy Thăng Long- đơn vị thầu về phòng cháy của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Nhiệm vụ của mình là phiên dịch trong các buổi đào tạo hàng ngày, ví dụ như về cách xử lý hóa chất, xử lý khí h2s, h2, benzen rò rỉ như thế nào...


Công việc hàng ngày của mình bắt đầu từ 8h sáng, mình phải đến trước 20 phút để làm công tác giao nhận ca với phiên dịch trước. Do đặc thù của một nhà máy sản xuất là đảm bảo công suất chạy của máy móc 24/24 nên với mỗi vị trí đều phải chia theo ca trực. Nội dung chính lúc giao ca đó là xem có điểm gì, hay sự cố gì liên quan tới công tác phòng chống cháy nổ, cứu hộ cứu nạn và xử lý hóa chất trong nhà máy xảy ra hay không .Sau đó, mình dùng 2 đến 3 tiếng cùng chuyên gia đi khảo sát, kiểm tra các điểm mà chiến sỹ đang trực trong nhà máy.

Trong bất kỳ khu vực nào trong nhà máy, khi làm việc cũng phải đảm bảo an toàn. Nhiệm vụ của các chiến sỹ ở đây là đại diện cho việc trực đảm bảo an toàn và cứu hộ cứu nạn, chữa cháy khi có sự cố, và mình sẽ dịch những gì chuyên gia nhắc nhở chiến sỹ, hướng dẫn chiến sỹ cách vận hành hệ thống chữa cháy thế nào, các phương án tác chiến làm sao. Sau đó, về trạm chữa cháy-nơi văn phòng đặt, chuyên gia sẽ đào tạo trên phòng training.


Đặc thù ngành là sự cố có thể đến bất kỳ lúc nào nên, với một nhân viên phiên dịch, mình cũng phải đảm bảo sức khỏe trong trường hợp có sự cố .Công việc này  tuy lương không quá cao nhưng nếu bạn là người có chuyên môn, kỹ năng tiếng anh tốt thì bạn sẽ rất được trọng dụng. Ngoài ra, công ty sẽ cung cấp xe đưa đón, ăn ở cho bạn nên bạn chỉ cần nghĩ tới vấn đề chuyên môn, những thứ khác không cần lo.

Muốn trở thành một phiên dịch viên, nhiều bạn mặc định tiếng anh phải giỏi, nhưng đó chỉ là một phần. Thực tế mình nhận ra rằng, giỏi tiếng Anh chưa hẳn đã giỏi phiên dịch. Ngành này bạn phải giỏi cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, phải ăn nói trôi chảy, nên trước tiên các bạn phải luyện cho bản thân tính tự tin bằng cách tham gia các câu lạc bộ, các cuộc thi về hùng biện, học cách nói chuyện tự tin trước đám đông.

Bên cạnh đó, làm phiên dịch,  tiếng anh giao tiếp chỉ bổ trợ cho bạn một phần, còn bạn phải nắm vững từ vựng kỹ thuật chuyên ngành bạn đang làm. Ví dụ, đối với bên phòng cháy, bạn phải biết lăng, vòi phun, bình chữa cháy, hệ thống chữa cháy... Như chỗ mình làm, chiến sỹ hay trưởng ca họ cũng biết một chút tiếng anh chuyên ngành nên khi bạn dịch sai hoặc dịch không trôi, họ sẽ phản ánh lại ngày.


Tiếp theo, bạn phải đọc thật nhiều sách, sách sẽ giúp bạn hiểu nhiều vấn đề ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đôi lúc bạn phải dịch chuyên ngành toán, thỉnh thoảng lại dịch chuyên ngành sinh, rồi xây dựng, xi măng, đất đai,,, nói chung bạn phải đọc nhiều sách ở nhiều lĩnh vực khác nhau, có kiến thức chung (general background) rộng. Ngành nào bạn dốt người khác có thể không biết chứ riêng với phiên dịch, bạn dốt, bạn nói không lưu loát thì nó sẽ thể hiện ra ngay.

Ra khỏi trường đại học, những thứ bạn được học trong trường chỉ là một phần nhỏ trong công việc bạn phải làm hàng ngày. Ở trường bạn học dịch một, hai bài trong một tuần, bạn có thể làm chậm, thảnh thơi, nhưng khi đi làm, nếu sếp cần bài dịch 8 trang hoàn thành trong vòng 4 tiếng bạn cũng phải cày suốt.

Khi bạn còn đang ngồi trên ghế nhà trường, hãy chọn cho mình một số lĩnh vực bạn thân yêu thích để học dịch đặc biệt chuyên ngành kỹ thuật vì sau này bạn sẽ hiểu, giỏi bên kỹ thuật lương sẽ cao hơn chỉ học giao tiếp cơ bản.


Đây là những chia sẻ của mình về nghề phiên dịch, hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về nghề này. Nếu các bạn có đóng góp ý kiến gì thì hãy comment bên dưới nhé, mình cảm ơn ^^.


Tác giả: Rùa Kini

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

602 lượt xem