Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Sống Một Chút JOMO Nhé: Thiếu, Mất, Bỏ Lỡ Chuyện Gì Đó Là Thứ Rất Thường Tình

Có một kiểu người bỏ qua ngoài tai những gì ‘có vẻ là vui’ mà người khác làm, tập trung vào điều khiến bản thân thực sự hạnh phúc.

- Thấy iPhone mới xịn nhất sắp ra mắt, người người xôn xao bàn tán giá bao nhiêu và màu nào đẹp, bạn vẫn có thể vui vẻ ngồi nhâm nhi ly cafe và nghĩ về tối nay ăn gì.

- Thấy người ta check-in đi du lịch Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc,..còn bạn thì vẫn mở Kpop xem hôm nay idol ra bài mới. - Là thấy xung quanh ai cũng lấy chồng, sinh con, còn bạn vẫn vui vẻ sáng đi yoga, tối zumba, đến spa gội đầu, vẽ móng.

- Là người thấy những bài báo “Chàng trai 20 tuổi sở hữu nhà xe và khối bất động sản khổng lồ”, “Cô gái xinh đẹp làm CEO ở tuổi 22 và thu nhập hàng tỷ đồng” nhưng trái tim vẫn không hề nao núng, vẫn ngồi đó vẽ tranh, nấu ăn,...đúng cái công việc yêu thích như thường lệ.

- Là khi thấy đứa bạn thân thông báo mới chuyển công tác, may mắn đạt thu nhập gấp 2-3 lần bạn, nó lôi kéo bạn “vào team tao không” thì bạn vẫn tự hào nói “thôi công việc tao đang ổn mà, lương tao cũng đủ sống rồi”... …

Kiểu người như trên là JOMO.


JOMO -  Một thuật ngữ được viết tắt từ cụm từ Joy Of Missing Out - Niềm vui của sự bỏ lỡ.


 “Joy Of Missing Out”  - JOMO là gì?

JOMO là thuật ngữ trái ngược với FOMO (nỗi sợ bỏ lỡ niềm vui mà mọi người đang trải qua).

Trước đó nhiều người biết tới FOMO, hội chứng của những người nỗi sợ bỏ lỡ. FOMO dùng để ám chỉ những người thường xuyên cảm thấy bản thân gặp phải áp lực tâm lý rằng mình còn quá thiếu kém, cả tài năng lẫn may mắn so với người khác.

JOMO ngược với FOMO, những người JOMO FOMO do tiến sĩ Dan Herman phát hiện và đặt tên từ năm 1996.

Còn thuật ngữ 'joy of missing out' ra đời sau khi một doanh nhân viết về nó trên blog của mình năm 2012. Khi có quá nhiều lựa chọn thú vị, con người sẽ cảm thấy áp lực khi mình không được tận hưởng toàn bộ. Một số người cho rằng thuật ngữ này cũng phát triển từ việc người Do Thái ra quyết định dừng hết mọi công việc từ thứ Sáu đến thứ Bảy. Họ không làm việc, không tương tác mạng xã hội và cũng không sợ hãi vì mình bỏ lỡ điều gì đó mà người khác đang làm để có một ngày tận hưởng.

Đối với mình, FOMO chắc phổ biến hơn JOMO rất nhiều, giống như bản năng hơn, cảm giác nó tự thúc đẩy và phát sinh mà chúng ta không kiềm chế được. Còn JOMO thiên về tư duy, lý trí, người thuộc tuýp JOMO biết cách để điều chỉnh và thích nghi với những băn khoăn về cái muốn làm và cái nên làm.

FOMO cũng có nhiều mặt lợi là cảm giác áp lực đó sẽ khiến cho bản thân nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nhưng JOMO lại đáng được xem xét hơn đối với xã hội hiện nay. Bản thân mình đã và đang dần tìm hiểu về những ưu điểm của JOMO và bổ sung thêm cho bản thân


JOMO - THIẾU, MẤT, BỎ LỠ CHUYỆN GÌ ĐÓ LÀ THỨ RẤT THƯỜNG TÌNH

Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 kiểu người FOMO và JOMO. FOMO lo lắng và bất an mình đã bỏ lỡ cơ hội hay điều gì đó còn JOMO biết rằng sẽ có lúc mình sẽ bị thiếu, bỏ lỡ cái gì đó và chuyện đó là chuyện thường tình. Chẳng hạn như đi phỏng vấn, người FOMO có thể rất tự tin và đĩnh đạc, chuẩn bị kỹ càng nhưng sau khi kết thúc, người FOMO luôn cảm thấy bản thân mình vẫn còn nhiều sai sót. Trên đường về, FOMO sẽ tự vấn bản thân rằng “Giá như lúc nãy trả lời như thế này thì tốt hơn” hay “Hình như lúc nãy mình quên nói câu này”, “Tức quá, chỗ này lẽ ra phải trả lời kiểu kia kìa”,....

Còn JOMO thì tốt hơn, cũng có thể tự vấn nhưng trong thâm tâm họ luôn tự khích lệ bản thân rằng KHÔNG SAO CẢ, LẦN SAU MÌNH ĐÃ CÓ KINH NGHIỆM. Và dù không ngừng suy diễn, họ vẫn luôn trong tư thế “dù sao mọi việc cũng qua rồi, lần sau cải tiến chỗ này”.


JOMO - CHẤP NHẬN NHỮNG CHUYỆN KHÔNG MAY XẢY RA VÀ NGỪNG THAN VÃN

Mình cũng thuộc tuýp người hay sợ bỏ lỡ, cứ sau mỗi lần chuyện không may xảy ra, bản thân mình tự trách móc rằng bản thân mình vẫn chưa làm được đúng những gì mình kỳ vọng và luôn có câu cửa miệng rằng “Giá như...”.

Mình nhớ có một lần, dịp Công bố ra mắt Công ty và sản phẩm mới, mình nhận được task là chuẩn bị hợp đồng ký kết giữa công ty và đại sứ quán cũng như các tập đoàn khách sạn lớn. Mình được cho form sẵn, chỉ cần điền thông tin. 9h tối mình vẫn còn ngồi ở văn phòng để xem đi xem lại, nhờ anh chị trong phòng có chuyên môn check thêm thông tin. Mọi thứ đều ổn và chỉ cần sáng mai gửi cho phòng in màu nữa là hoàn thành.

Tuy nhiên, nào lường trước được người phụ trách in ấn đến muộn và hàng loạt sự cố xảy ra khiến mình phải đứng ở một góc phòng vừa khóc vừa suy nghĩ cách giải quyết. Mình chạy đôn đáo đi tìm nhà in gần vị trí sự kiện, nhưng mất 1 tiếng đồng hồ mới in xong, về tới mọi thứ đã không còn tác dụng.

Cố gắng điềm tĩnh nhất có thể bước vào Hội trường chụp ảnh cùng mọi người nhưng trong lòng đầy cắn rứt. Cả ngày hôm đó, mình không thể nào ngừng suy nghĩ về bản thân về tình huống tréo ngoe như thế. Vốn không phải chỉ vì bản thân tắc trách mà do định mệnh và nhiều sự cố không thể lường trước được.

Mình muốn được giải thích, kể toàn bộ sự việc cho sếp và đồng nghiệp, bạn bè nghe để được chia sẻ cảm xúc. Nhưng làm sao để giải thích và kể lể mọi thứ cho Sếp và đồng nghiệp cảm nhận và chấp nhận. Không ai rơi vào hoàn cảnh đó, không ai có thể hiểu được và đủ kiên nhẫn để hiểu. Mình lúc đó cảm thấy bản thân thừa thải, sau lần ấy, mình mỗi ngày đi làm đều cảm thấy bản thân là gánh nặng.

Mình xin thôi việc, chính lúc này anh Quản lý trực tiếp của mình mới chia sẻ: “Thật sự chuyện lỗi của em, tất cả mọi người đều không thể hiểu được cũng khó chấp nhận được. Nhưng chuyện cũng đã qua rồi, em có tự trách thì nó cũng không thể quay lại lúc ấy. Em không thể bắt cả Thế giới phải đặt mình vào vị trí của em, em càng giải thích mọi người lại càng nhớ lâu. Đừng lãng phí công sức để làm điều đó, thay vì thuyết phục mọi người thông cảm cho em, hãy tự thuyết phục bản thân rằng mình nên thông cảm cho chính mình. Rằng em đã cố gắng hết sức, rằng em đã nhiệt tình làm tốt bổn phận, rằng sự cố hoàn toàn ngoài ý muốn,.... Và hãy tự tin ở bản thân, Sếp không mắng mình trước tập thể, không chỉ trích mình làm ảnh hưởng chương trình trước toàn thể công ty đã là đặc ân rồi. Em nên cảm ơn vì chính sự cố xảy ra đã cho em cơ hội được nhiều anh chị biết đến em hơn và em sẽ cẩn thận nhiều hơn để lấy lại điểm trong mắt họ.”

Lúc này bản thân mình học được 3 điều:

  • Một, chấp nhận sự việc đã qua, dù nó có tệ đến cỡ nào cũng đã qua.
  • Hai, ngừng giải thích và than vãn
  • Ba, trong mỗi sự việc luôn có cái rủi và may, nhìn vào cái may để biết cách đi qua nó.



JOMO - LÀM MỌI THỨ THEO NHƯ CẦU HƠN LÀ XU HƯỚNG

Có một kiểu người như JOMO, bình thản trước mọi vấn đề, kể cả xu hướng đại chúng.

- Ít khi mua hàng ngẫu hứng, cũng không mua vì tin khuyến mãi.

- Người này mua hàng theo nhu cầu hơn là theo xu hướng, họ ít hoặc không có nhu cầu ganh đua mua sắm.

- Người này luôn cân nhắc trước những biến động của thị trường và ít khi nào bị cuốn vào những


Mình có ví dụ về kiểu người JOMO mà mình cực kỳ ấn tượng về lý trí của người đó.  Nói không với những thứ không cần. Chị là một người mua sắm có tính toán và kế hoạch, thậm chí còn tỉnh táo đến mức không mua hàng giảm giá đính kèm. Đến showroom, chị mua 1 bộ mỹ phẩm skincare trị giá gần 2 triệu, chị được upsale thêm 1 chiếc má hồng với giá 29k (trị giá thật là 380k nhưng CTKM cho phép hóa đơn trên 1 triệu được mua sản phẩm với giá 29k), theo thông thường, không ai có thể từ chối lời đề nghị trên vì đó là quyền lợi.

Tuy nhiên, đối với chị bạn mình đó không phải là thứ hấp dẫn, chị nói thằng với nhân viên và mình: “Những thứ mà chị biết chắc là chị không dùng tới thì dù có bán rẻ cỡ nào chị cũng không mua! Chẳng phải 29k cũng là tiền sao, chị mua về cũng chỉ như bưng cục rác xinh về nhà”


Mình thấy đúng, thứ mình không dùng tới thì dù rẻ cỡ nào, mua về cũng chỉ là lãng phí. Quy tắc hay ho có thể học hỏi là “Chỉ mua những gì bạn thật sự cần”.

Điều này cũng mang ý nghĩa nội hàm sâu sắc: "Vốn dĩ bạn không cần phải xăm soi vào những món đắt tiền, hàng xịn, hàng hot, cũng không cần thiết phải ganh tỵ với những thứ của người khác...vì nếu chúng không thật sự cần thiết, chúng chỉ là rác đẹp hơn bình thường đôi chút!". 


JOMO - BÌNH TĨNH TRƯỚC KHI QUYẾT ĐỊNH, KỂ CẢ THỜI ĐIỂM “BÙNG NỔ”

Kể cả lúc báo đài đưa tin về bùng dịch, thị trường cổ phiếu đang sôi đỉnh điểm, công ty tuyên bố phá sản,...người JOMO vẫn có thể bình thản ngồi phân tích lý do và từ từ tính toán mình cần phải đối mặt với nó như thế nào. Có những quyết định chậm hơn đôi chút, thoạt nghĩ sẽ không phù hợp với những ngành đầu tư, nhưng cũng có thể đó là một ưu điểm giúp cho kiểu người JOMO có những bước đi chính xác và ít rủi ro hơn.


JOMO - CHẬM RÃI CHUYỂN HÓA CẢM XÚC, KHÔNG ĐỂ CẢM XÚC TIÊU CỰC TỒN TẠI QUÁ LÂU

Bản thân mình là tuýp FOMO, thường cảm thấy tự ti vì xung quanh quá nhiều người tài giỏi và may mắn hơn mình. Điều đó rất khó thay đổi vì vốn dĩ nó luôn hiện hữu, nó là bản năng, là tính cách của một người. Nhưng mình biết có một điểm mình có thể thay đổi đó là học ở JOMO cách chuyển hóa cảm xúc. Bất cứ khi nào cơn ganh tỵ, sự tự ti trong mình trổi dậy, mình sẽ để nó diễn ra tự nhiên và dần mở ra những hướng suy nghĩ tích cực cho bản thân để những cảm xúc tiêu cực chuyển biến thành tích cực.

  • Ví dụ như thấy cô bạn cùng phòng thay đổi công việc mới lương cao hơn, bản thân mình sẽ buồn đôi chút rồi tự đặt ra giả thiết “công việc đó đòi hỏi ngoại hình, bản thân mình không được như cô ta là điều hiển nhiên” và song song đó tự đề ra mục tiêu mới “đã đến lúc mình cũng cần thử sức tìm cơ hội mới”.
  • Ví dụ như thấy anh bạn đồng nghiệp đổi điện thoại, mua nhà mới, mình sẽ tự phân tích rằng “mình chọn đầu tư cho cảm xúc, trải nghiệm hơn là tài sản” song song đó tự vẽ ra bản vẽ kế hoạch mua căn nhà nhỏ cho mình trong 10 năm tới.
  • Ví dụ nhìn thấy người ta có người yêu chăm sóc, lo lắng từ chút, mình sẽ tự biết ơn những lúc còn độc thân, thích thì về quê ăn cơm cùng bố mẹ, không thích thì đến pub nhỏ làm 1 ly cocktails và trò chuyện cùng người lạ, rảnh hơn có thể lướt một chút tinder quẹt bạn nào đó ra ngồi ăn tối nói dóc vài câu thêm bạn, thêm kinh nghiệm về cách nhìn người ….


Người ta bảo phải có so sánh, đấu tranh thì mới có tiến bộ nhưng đôi lúc, bạn nên học cách biết ơn, bạn nên vui vì những gì mình đang sở hữu và giảm bớt những áp lực cho bản thân rằng chưa đủ tốt, kém may mắn hơn người khác.


Ai rồi cũng sẽ có cảm giác tiêu cực nhưng sống theo kiểu JOMO, học tập được từ JOMO, mọi chuyện sẽ nhanh qua, mọi thứ bình yên hơn.

Mình nhớ đã từng nghe ai đó nhắc về tư tưởng của người Ai Cập cổ đại: “Một người khi rời khỏi cõi đời, có hai việc quyết định người đó có lên thiên đàng, một là người đó có hạnh phúc không, hai là có mang lại hạnh phúc cho người khác không." Như vậy, bạn hãy tự hỏi bản thân mình có đủ tốt với những người thân yêu và khiến cho họ hạnh phúc chưa và cũng nên tự hỏi bản thân mình đã đủ hạnh phúc chưa.

Nếu bạn vẫn đang thấy mình thiên về tuýp người FOMO thì nên học tập một xíu ở tính cách của JOMO. Vì đôi lúc chúng ta cần học cách biết ơn hiện tại, cảm giác đầy đủ, từ sự kết nối với chính mình, từ sự tự tin, biết ghi nhận bản thân, ...Nghiêm khắc với bản thân, đề ra những tiêu chuẩn, mục đích để phấn đấu nhưng cũng không quên giá trị ở hiện tại.

Tác Giả: Bunny

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/bunny.socola

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

685 lượt xem, 651 người xem - 654 điểm